Con người ta dù ở cấp độ nào, ở tầng lớp nào luôn hướng về những điều trong suy nghĩ bản thân cho là tốt đẹp, mong ước đặt chân tới những mãnh đất chưa đến, cố gắng học hỏi được những điều quá khứ và hiện tại chưa đủ đầy. Điều đó, chả ai nói xấu. Nhưng, như thế có thể đôi lúc con người ta quên mất cái cốt lõi: quê hương vẫn là chùm khế ngọt nhất, những gì có được ở quá khứ và hiện tại thật đáng trân trọng đến nhường nào. Đồng thời, nói thế không có nghĩa là chấp nhận thưởng thức "quả khế ngọt", mà quên mất rằng cũng nên nhấm nháp những "quả khế chua". Đủ chua, đủ ngọt, đủ đắng chát ngọt bùi thì mới gọi là "đời", mà đời thì tương lai cũng thật đáng hướng đến, đáng đau đầu để nghĩ suy chứ không chỉ có quá khứ và hiện tại mới nên được bận tâm.
Có hai câu chuyện, một chuyện đã xảy ra từ thời tôi còn là con nít, và một câu chuyện chỉ vừa xảy ra. Ngẫm đi ngẫm lại mình, giờ đã lớn (nếu không nói là già :) ) nhưng cái cách suy nghĩ, cái sự "an bài" trong lối suy nghĩ vẫn còn bám rễ dài lâu, chưa chịu buông tha, xét cho cùng nó không hẳn là xấu, nhưng tuyệt đối chưa phải là lối suy nghĩ tốt.
Ngày xưa, khi còn là đứa con nít chạy lăng tăng ngoài đường với bụm chùm chày, chùm chu, với quả ổi, quả mâm xôi ngoài gò thảo, dọc theo con suối nhỏ trong làng. Hay, xúm năm tụm ba, đào khoai lang trộm, hái bắp hàng xóm rồi cả lũ hít hà với thành quả của mình. Những vẫn mong ước lắm một lần, dù một lần duy nhất được đặt chân đến Sài Gòn như một đứa trong xóm, gia đình giàu có và nó thì tha hồ được đi Nam đi Bắc. Cái suy nghĩ non nớt về một Sài Gòn phồn hoa, nơi có những loại kẹo ngọt lịm, màu sắc, nơi có những con người chỉ cần đặt chân tới đó khi về bỗng chốc đều trở nên giàu có và "hãnh diện" lắm lắm. Sài Gòn lúc đó trong suy nghĩ trẻ con của tôi như một thiên đường, nơi đó có các bà tiên, ông bụt ban phát phúc lành cho những ai dám bỏ quê, rời xa đất mẹ, chỉ cần vài tháng, vài năm sẽ hóa thành những con người "khác người" theo hướng tích cực, hơn tất thảy những người bám trụ lấy nơi "chó ăn đá gà ăn sỏi". Cái suy nghĩ đó hình thành, lớn dần và thúc đẫy con nhỏ 18 tuổi rời quê tìm đến vùng đất của ước mơ, của truyện cổ tích, của những điều tốt đẹp chưa chắc ai cũng biết.
Sài Gòn xa hoa, Sài Gòn tráng lệ, Sài Gòn rực rỡ đèn xe làm tôi lóa mắt, sung sướng đến phát run lên sau một chút cảm giác nhớ nhà. Sài Gòn sẽ chắp cho tôi đôi cách để bay nhanh đến ước mơ non trẻ, vậy thì còn lý gì tôi không giang tay ôm thật chặt Sài Gòn- vùng đất lạ lẫm nhưng đầy hứa hẹn này cho được? Vậy mà, chưa đầy 3 ngày, tôi rấm rức khóc vì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ ba, nhớ má, nhớ tất thảy mọi người, mọi vật, kể cả ngọn cỏ, con gà- nơi tôi đã sinh ra- nơi nuôi tôi lớn lên- nơi vẫy tay chào tôi khi tôi bước chân lên chuyến xe vào Nam. Sài Gòn vẫn xa hoa, Sài Gòn vẫn tráng lệ, Sài Gòn vẫn rực rỡ- lộng lẫy đèn xe, nhưng tuyệt nhiên không có những ông bụt, bà tiên như trong suy nghĩ của đứa con nít ngây ngô thuở nào. Nỗi nhớ cồn cào, một niềm đau hay một sự hối tiếc nào đó cứ len lõi hình thành, lớn dần trong suy nghĩ, nó không còn là những suy nghĩ tích cực về một nơi sẽ đem đến những điều tốt đẹp nếu chấp nhận rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Nó không còn là những ước mơ ấp ủ, hứa hẹn sẽ gặt hái những thành quả là những viên kẹo ngọt đầy sắc màu nữa. Thay vào đó là sự chấp nhận, như một sự thật đã an bài, cố gắng kkhông còn là sự cố gắng hết mình, nhiệt huyết không còn là ngọn lữa rực rỡ chóa lòa soi sáng đêm đông. Ứớc mơ vấp ngã, chệnh choạng, chưa thật sự nằm bẹp dưới nền đất khô cằn, nóng rát nhưng cũng không còn vững vàng, hiên ngang như ngày đầu. Đổ lỗi cho cái gọi là số phận, biện minh cho sự ích kỉ của bản thân, rằng: Nếu ngày đó lựa chọn ở lại trên mảnh đất quê hương- nơi thân thuộc- nơi khởi nguồn cho những ước mơ thôi thúc trong đầu thì có lẽ sẽ khác, sẽ tốt đẹp hơn, không va vấp, chả cần bương trãi nơi đất khách quê người để rước khổ vào thân, vân vân và vân vân. Để rồi từ đó, nuông chiều bản thân, mặc cho cái gọi là "số phận an bài"...
![]() |
Xe Tuk Tuk đứng san sát hai bên đường đợi khách ( Cảnh chụp trước khu mua sắm Aeon tại thành phố Phnom Penh) |
Mỗi vùng miền, mỗi tộc người, mỗi đất nước đều có những lối sống riêng, phong tục tập quán riêng, đời sống, văn hóa khác nhau, không hẳn là tốt đẹp tất thẫy, cũng không hẳn là không đáng để lưu tâm, học hỏi. Vậy mà, đã từng có một phút chốc nào đó trên đất bạn cái lối suy nghĩ trẻ con như đứa con nít ngày xưa trong tôi lại hình thành. Trước khi đi đã luôn tự nhắc mình rằng: phải hòa nhập, phải xông pha, phải dấn thân, phải chấp nhận "quả khế chua" dù có "chua" cỡ nào cũng nhận để rèn luyện bản thân, để truy rèn ý chí, để có những trãi nghiệm thật sự đáng tự hào với chính bản thân mình. Vậy nhưng, bản lĩnh của một đứa con gái "yếu xìu" không đủ sức để tranh đấu cho khác đi lối suy nghĩ bám rễ trong tận sâu cùng não bộ từ thuở nhỏ, không dám tranh đấu trước một tập thể cũng đang có suy nghĩ nuông chiều bản thân như chính mình. Thành ra, suy nghĩ vẫn để dành trong nghĩ suy, còn hành động thì... theo số đông + sự chấp nhận như một sự đã rồi. Bản lĩnh chỉ để dành trong suy nghĩ chỉ là bản lĩnh tồi, không minh chứng. Hành động là minh chứng sáng giá nhất trong mọi hoàn cảnh. Cuối cùng, hành động không đúng như suy nghĩ của bản thân thì kết quả nhận được gì chỉ là nên tự vấn chính bản thân mình mà thôi.
![]() |
Một khoảng sông Mê Kông trên đất Campuchia |
Phnom Penh đón chúng tôi trong một chiều ngày cuối tháng nắng đã hơi nhạt màu, tuy nhiên cái nóng thì vẫn còn day dẵng bám víu vào thịt da. Cảm nhận ban đầu khi bước xuống xe, chính thức 2 chân đặt trên đất khách là: nóng- quá nóng, bụi- quá bụi, nhưng có hề gì, cái cảm giác sướng đến run người đúng như cái cảm giác con bé 18 lần đầu đặt chân lên Sài Gòn... Chỉ cần có một chỗ tắm rửa lấy lại tinh thần và... "xông pha" chỉ là chuyện nhỏ. San sát 2 bên đường là những chiếc xe tuk tuk đợi đón chở khách, những anh chàng da ngăm đen dường như trông càng có duyên và thân thiện với những nụ cười rất nhẹ khi trò chuyện, ngã giá với khách. Chúng tôi bắt một chiếc tuk tuk và được đưa tới một guest house nhỏ trên một con đường không lớn lắm (có lẽ thuộc ngoại ô thành phố Phnom Penh). Nếu xét về cơ sở vật chất và giá cả thì có thể nói giá phòng chúng tôi thuê mắc hơn so với ở Việt Nam. Nhưng, đi du lịch mà, bạn có thể biết mình bị "chặt chém" ở một khía cạnh nào đó nhưng ít ai bắt bẻ chuyện này, bạn có thể sẵn sàng cho đi nhiều hơn thứ nhận lại nhưng tâm trạng chắc chắn cũng chẳng đến nỗi nào, thật đấy. Đó có thể là suy nghĩ chung của rất nhiều người, ai chẳng thích một quả khế ngọt lịm, tự phán rằng rất ngọt như mong ước(dù có đôi chỗ bị sâu gặm) thay vì tự nhận đã ăn nhầm một quả khế chua?
![]() |
Cổng một ngôi chùa tại thành phố Phnom Penh, nơi nhìn ra dòng sông Mê Kông thơ mộng |
Tại Phnom Penh, phương tiện đi lại của chúng tôi chủ yếu là xe Tuk Tuk, vừa ngồi được đủ 5 người của nhóm lại vừa dễ dàng được dáo tầm mắt "nhìn ngó" xung quang đường xá. Cơ sở hạ tầng tại Phnom Penh nhìn tổng quan không bằng Sài Gòn, tuy nhiên có một điều thật sự lấy làm hay đó là giao thông tại Phnom Penh rất trật tự, dù rất hiếm có đèn thông báo cũng như chẳng thấy cảnh sát giao thông đâu. Con người Phnom Penh có một sắc thái, tinh thần nào đó tôi chưa nắm bắt được, họ có vẻ lầm lũi, chăm chỉ với công việc họ làm, một chút nhiệt tình nhưng không hồ hởi, một chút... một chút gì đó... thì đã bảo tôi chưa nắm bắt được mà... :(
![]() |
Một góc khuôn viên của khu tưởng niệm diệt chủng Pol Pot |
Tượng đài Độc lập sáng bừng trước nắng tháng 5, những ngôi chùa lớn nhỏ với lối kiến trúc lạ lẫm, rồi là Cung điện Hoàng Gia, Chùa Vàng Chùa Bạc, chợ Vòm, chợ Nga, khu tưởng niệm- bảo tàng nhà tù Tuol Sleng- minh chứng thảm họa diệt chủng Pol Pot, cả sông Mê Kông lộng lẫy khi chiều buông nắng, món ăn côn trùng hấp dẫn thực khách bốn phương,... tất cả trôi qua như một giấc mơ, vừa mơ đã tỉnh. Bởi cuộc hành trình chưa thật sự đủ rộng và sâu trong cả suy nghĩ và hành động. Suy nghĩ để dành trong suy nghĩ thì đó cũng chỉ là một suy nghĩ tồi, chưa nung nấu thành hành động thì suy nghĩ đó thật sự chưa chín mùi. Nói cho cùng, chuyến đi chẳng khác gì "cưỡi ngựa xem hoa", đi cho có, đi để thỏa mãn cái suy nghĩ thúc giục trong lòng chứ chưa hoàn toàn là một cuộc hành trình để trãi nghiệm thật sự. Vì thế chẳng dám nhận định, chẳng dám to mồm lớn tiếng khẳng định cái này đúng, điều kia sai, hả hê vui sướng kể lại cho bạn bè, người thân những điều quý giá gom nhặt được. Quả khế chua nếu từ chối chọn, để lúc nào cũng nâng niu quả khế ngọt (mà thật sự nó có ngọt hay không?) thì đừng tự biện minh cho chính mình, bởi suy nghĩ đó là suy nghĩ của bản thân lúc còn là con nít mà thôi, khư khư không chịu thay đổi cách suy nghĩ, khư khư ôm lấy những suy nghĩ vạch sẵn tuy nhiên xác thân chẳng chịu hành động thì đòi gì cái gọi là rộng, là sâu?
Kết thúc cuộc hành trình, dù cho đã lựa chọn như thế nào, dù chỉ là "cỡi ngựa xem hoa" thì nó cũng thật sự đáng để trân trọng. Con người Phnom Penh với nụ cười nhẹ vẫn còn đó, đất nước trãi qua một thời đau khổ đã có những bước chuyển mình như dòng nước Mê Kông thay màu xanh trong vỗn dĩ vẫn đang căng tràn sức sống vẫn ở đó. Xen trong chút buồn không thiếu những niềm vui. Xen chút hối tiếc không thiếu sự thỏa mãn, tự hào. Đi để ghi lại những trải nghiệm, nhưng ghi không phải vì đã thật sự đã trải nghiệm để có thể nhận xét về bất cứ một khía cạnh nào. Chỉ là một chút gì đó cho sự ấu trĩ trong tư duy con nít của chính mình, một chút gì đó về sự hối tiếc về những điều đã không thật sự làm như lòng nhiệt huyết trong suy nghĩ của bản thân... Và một chút gì đó... mênh mông như nước sông Mê Kông... vẫn chảy.
-Huỳnh Thị Lệ Ân-
TP. Hồ Chí Minh, đêm 1/5/2015
0 nhận xét:
Đăng nhận xét