“Trắng, xanh, đen, đỏ, cam…”. Tôi đang đứng đợi đèn đỏ đảo mắt nhìn những tấm áo mưa nhiều màu được khoát lên những người cũng đang đứng đợi đèn đỏ như tôi. Bất giác tôi nghĩ về tấm áo mưa của ba tôi ngày tôi còn nhỏ… Hồi đó quê tôi nghèo lắm!
Trời mưa tầm tã, những hạt mưa bằng cả viên bi chai (tôi vẫn thường theo bọn con trai xóm tôi chơi trò bắn bi khi nhỏ), nặng trịch đổ xuống táp vào mặt tôi lạnh, buốt và rát. Cái áo mưa tiện dụng không đủ bao bọc cho tôi suốt quảng đường từ trường về nhà mà không bị ướt. Bởi gió quật, bởi mưa dữ, bởi “con ngựa sắt” của tôi vẫn thường hay giở chứng, những ngày mưa nhiều gió to nó càng không đủ sức. Một ngày ba mua cho tôi nguyên bộ áo mưa áo riêng, quần riêng hẳn hoi. Con nhỏ là tôi mừng quýnh, từ nay dể xem mưa gió cỡ nào tôi cũng không sợ ướt (Ướt làm sao được khi mà nó bịt tôi kín mít từ đầu đến chân, chỉ chừa hai tay, hai chân và đôi mắt ti hi. Tôi được dịp khoe với tụi bạn, tụi nó trố mắt nhìn tôi mặt bộ áo mưa màu mạ non lạ mắt rồi hết đứa này trầm trồ đến đứa kia khen ba tôi “có mắt thẩm mĩ”. Ừ, ba tôi là nhất mà! Tôi tự cho là mình “khá giả”, nói đúng hơn tôi đinh ninh là ba tôi rất khá giả. Trong cái xóm nghèo của tôi có mấy ai chịu bỏ tiền mua cho con mình bộ áo mưa tuyệt đẹp như ba tôi đâu? Lại là màu mạ non đúng sở thích của tôi nữa chứ. Mỗi khi đi ngang cánh đồng tôi cứ ngỡ mình đang tan chảy hay chí ít mình đang hòa chung vào cái màu xanh bất tận đó. Nhìn màu áo, nhìn khoảng xanh bao la trước mặt con nhóc tôi cảm giác lâng lâng, phiêu diêu, bay bỏng, rất rất khó tả. Cái áo mưa đó cho tôi nguồn vui, sự thích thú khi nghĩ về nó cho mãi đến hôm nay dù nó đã tơi tả cùng năm tháng. Dù từ đó đến nay tôi đã khoát lên mình bao nhiêu bộ áo mưa mới cũng không sao tìm lại được cảm giác như ngày xưa. Có thể nó còn nhiều lý do để tôi phải nhớ, phải yêu, phải trân trọng…
Lại mưa! Mưa dầm mưa dề. Cái mảnh đất miền Trung chật hẹp là thế mà gánh chịu biết bao nhiêu khó khăn để mỗi người con của quê hương dù có ở lại, dù có tha phương cũng phải thương, phải nhớ, phải nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn hơn bất cứ một nơi nào khác. Mảnh đất nghèo mùa nắng thì như thiêu da thiêu thịt, đất cằn nứt nẻ, cây lúa vàng vọt vì thiếu nước, dòng họ nhà cỏ dễ sống vậy mà cũng chịu cảnh phơi mình chết cháy- trụi trơ thân gầy. Mưa! Mưa như sự tạ lỗi của ông trời vì đã làm một mùa hạn đến con người cũng phải héo hon. Nhưng ông trời đâu biết sự tạ lỗi đó đã đi quá đà. Nước dư thừa ngập vào từng mảnh ruộng bé nhỏ, ngọn lúa chấp chới trong con nước như đưa tay van nài, mảnh rau tả tơi vì mưa vì gió, cành lá không vươn nỗi lên gọi trời. Ao cá chú Hai chẳng mấy chốc cũng phẳng lì, rồi thì Rô, Mè, Tràu… đều theo con nước trôi xuôi, còn con nào ngược dòng về lại với ao xưa?
Trời mưa dữ quá trường cho nghĩ, chị em tôi tranh nhau ngồi trước cái bếp lò, dành qua dành lại rồi cũng xếp đủ chỗ cho bốn đứa. Rồi thì lôi mớ hạt điều của thằng em ra dụ nó nướng ăn. Sau một hồi nhăn nhó và giành giật, nó phải chấp nhận giao cái thành quả mà nó “khổ công” thức trưa để bắn bi độ với tụi bạn trong xóm cho hai “bà chị” và đứa em “dẻo miệng” của nó. Ngồi nướng điều, mấy chị em hơ tay vào cái bếp lò đang đỏ lửa cho đến khi cảm thấy ấm nóng rồi áp cả hai lòng bàn tay lên mặt hít hà, nghe tiếng xì xì phát ra từ những hạt điều cháy trong lửa cảm giác như các mạch máu giãn ra, chộn rộn và háo hức. Chẳng mấy chốc cái tiếng xì xì ấy sẽ ngưng, rồi thì hạt điều sẽ chín, chỉ còn chờ chị em tôi lôi ra đập lớp vỏ ngoài là có ngay nhân điều béo ngậy, thơm phưng phức, giòn tan trong miệng.
Có thể kí ức về ốn chị em lập địa bàn trong cái bếp nhỏ lụp xụp rồi la, rồi hét vẫn còn nữa, sẽ theo tôi về dến tận căn phòng trọ. Nhưng không, nó dừng lại nhường chỗ cho một kí ức khác. Một người đàn ông đi chiếc Dream cũ, khoát trên lưng tấm nilon cũ giữa những tấm áo mưa đẹp đẽ, nhiều màu sắc dập vào mắt tôi. Tấm nilon bay bay, người đàn ông hình như ướt mèm. Kí ức ùa về, ùa về!
Mỗi mùa mưa tôi đều nghĩ về bộ áo mưa màu mạ non đẹp đẽ của mình mà có mấy mùa tôi nghĩ đến tấm áo mưa của ba?- Tấm áo mưa tự tay ba làm tứ tấm nilon. Giờ thì nó chiếm lấy tôi, nó hiện diện trước mắt tôi bằng cả trí tưởng tượng và những kí ức còn sót lại nhờ tấm nilon của người đàn ông đang khoát trên mình cách tôi vài mét kia. Tôi như thấy lại cái áo mưa của ba, một cái áo mưa độc nhất vô nhị. Nó đẹp lắm, đẹp như chính tấm lòng người ba dành cho con vậy. Người đàn ông kia- người đang khoát trên mình mảnh nilon trong tối mưa Sài Gòn xối xả thế này phải chăng cũng như ba tôi? Vì những đứa con và vì cuộc sống mưa sinh?
Tôi thấy ba ngồi cặm cụi may từng mũi kim lên tấm nilon ba đã giặt sạch từ hôm trước, tĩ mĩ và chăm chú. “Ba may cái gì vậy ba?”- Con nhóc tôi tò mò. “Ba may áo mưa.” “Sao ba cắt cái bao nilon ra may cho mệt? Nhà mình còn áo mưa mà ba?” “Áo mưa tiện dụng người ta bàn mỏng quá, ba may từ nilon dày hơn cho chắc.” Thế là tôi ngồi nhìn tác phẩm của ba dần dần cũng ra đời. Một cái áo mưa không tay, dài không quá bắp đùi, cổ hình trái tim hẳn hoi với những đường viền chỉ đen nổi trên nền nilon trắng ngà trong thật đẹp mắt. Ba tôi khéo léo may viền cho cổ và hai tay để dùng được lâu hơn. Cái áo mưa đó ba mặc bên trong rồi khoát thêm một tấm choàng bên ngoài cũng từ nilon. Hồi đó mỗi lần ra đồng hay len rẫy ngày mưa ba đều mặc như thế. Hình ảnh đó làm con nhóc tôi tưởng tượng ba như một tướng quân xuất trận với tấm áo ấn tượng và lớp áo choàng quyền uy. Và như thế tôi dối lừa lí trí mình rằng ba tôi may cái áo mưa có một không hai đó không phải là để dành tiền cho chị em tôi ăn học, để dành tiền mua cho tôi bộ áo mưa mới tôi thích. Nhưng tôi không thể dối lừa là tấm áo mưa đó đã theo ba tôi mấy mùa mưa dài lê thê của trời Trung. Cũng như tôi không thể dối lừa rằng tôi không cảm thấy xót xa khi thấy ba cầm trên tay tấm áo mưa ba đã rất nâng niu giờ bị người ta “chơi xấu” dùng tàn thuốc châm vào cho thủng lỗ. Những lỗ thủng ấy xoáy vào lòng con nhóc tôi- nhưng nhức. Nhưng nó không nhức, không cay, không đau và buốt rát bằng chình trái tim ba. “Nó khinh ba phải mặc cái áo mưa may từ tấm nilon, ba mặc tấm nilon che mưa thì sao chứ?...” Mắt tôi cay xè, tôi muốn lao đến nhà cái người đàn ông đã chơi trò đểu, đã khinh ba tôi mà cấu xé mà bắt ông phải xin lỗi ba tôi như một con người thực sự. Ông có dám mặc áo mưa từ nilon đến mấy mùa mưa mà để dành tiền lo cho ba tôi không mà tỏ vẻ khinh miệt? Ông có phải là người cần mẫn ngồi hàng giờ may tấm nilon thành cái áo đi mưa như ba tôi đâu mà biết xót, biết đau? Ông cũng đã là một người ba sao ông không thấu nỗi lòng của người ba như ba tôi? Sao ông nỡ lòng châm thủng nó rồi hả hê cười đùa, châm chọc người khác mà không biết rằng ông trời cũng có mắt, ông trời cũng biết giận, biết tức? Nhưng tôi không làm thế, dù còn bé tôi cũng biết rằng “gieo nhân nào gặp quả ấy”. Tôi giương mắt chờ, rồi ông trời cũng trừng phạt những kẻ sai quấy…
Đèn đỏ về xanh, chưa kịp định thần thì chiếc xe từ phía sau rồ ga vọt tới. Nước mưa đọng ở mé đường theo đà của bánh xe văng tung tóe vào tấm áo mưa trắng của tôi, văng cả vào người đàn ông với tấm nilon trước tôi. Ngước nhìn hai thanh niên trên chiếc @ vừa vụt qua, tôi cho xe chạy rồi nhìn lại mình đầy nhem nhuốt với những vết bùn trên tấm áo mưa. Ngó người đàn ông đoán chừng ngoài 50 tuổi, với nước da đen, gầy xọp, người ông cũng lấm lem bùn vì tấm nilon không đủ che cả thân người. Tôi thầm trách hai thanh niên kia sao quá vội vàng mà không quan tâm đến những người xung quanh, rồi tự thầm trách mình sao mãi chạy theo cuộc sống với những vòng xoáy bộn bề và bon chen, để rồi mấy tuần nay tôi chưa một lần gọi về cho ba…Tôi biết có rất nhiều những điều giản dị nhưng đằng sau đó là biết bao niềm xúc cảm. Tôi vẫn như đang nhìn thấy ba tôi dù xa cách gần 1.000 cây số qua người đàn ông tội nghiệp kia. Và tôi biết, có biết bao mảnh đời phải chịu lấm bùn nhơ vì kẻ khác, phải chịu sự khinh bỉ, mỉa mai mà vẫn cam chịu phận mình. Bởi đằng sau đó là cả tấm lòng, những nỗi niềm to lớn không phải vì mình mà vì người khác: gia đình- những người thân yêu nhất!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét