NẮNG HẠ QUÊ HƯƠNG

Leave a Comment
           Tuổi thơ! Đêm qua tôi nằm mơ! Miền Trung quê mẹ hiện về lấp lánh những con nắng vàng. Chợt thèm được một lần như ngày thơ bé trốn ba má chạy theo lũ bạn quê, theo cánh diều trưa hè không ngủ. Nắng quê xuyên thấu vào lớp áo mỏng- nhoi nhói. Nụ cười tôi vẹn nguyên, nụ cười lũ bạn quê vẹn nguyên những mùa nắng hạ của quê hương.

            Tôi thấy những trưa cả bọn con nít bọn tôi đứa nào cũng đen trũi, cỡi trần trùng trục nhảy ào xuống suối, ngoi lên ngụp xuống dưới cái nắng như thiêu da đốt thịt của trưa hè. Vậy mà cũng lạ cả bọn chẳng biết nắng là gì, cười giòn tan.Tôi cũng cười, lúc này khi tuổi đời chỉ quá đôi mươi nhưng tôi vẫn nghĩ mình đã cười nụ cười thời con nít ngây ngô- chẳng vướng chút sự đời. Chị đập tôi dậy, giấc mơ gẫy đôi như những trưa đang vui vẻ cùng lũ bạn thì bị má gọi về đập cho mộ trận vì tội “trốn ngủ đi dang nắng”. Chị bảo đang ngủ mà cười “thấy ghê” ! Mắt nhắm mắt mở, tôi thấy chị nhỏ thó cùng tôi làm con  diều giấy rồi hai chị em lẻn đi thả trong một trưa hè đầy nắng. Hai chị em cười nắc nẻ, nhìn con diều bay gần tới ngọn dừa. Dụi mắt, tôi nhìn chị cười cười “giờ thì hăm hết cả rồi!”.

nang-ha-que-huong

             Tôi vẫn nhớ như in những trưa hè nắng như đổ lửa trên đầu, tôi theo lũ bạn chạy ra gò thảo (cái gò toàn cây và cỏ hoang) xục xạo trong bụi tìm chùm chài, chùm chu, có khi còn hái được những quả ổi chín- thơm phưng phức. Tôi thích ngửi cái mùi ổi chín ngày hạ ấy, có khi dịu dịu như nắng hạ lúc ban mai, để sát vào mũi thì thơm nức mũi gây gắt như nắng trưa nồng nồng, mùi nắng rát. Tôi ngước mặt nhìn trời, bất giác đuôi mắt cụp xuống- nắng chói chang. Ngó xuống lòng bàn tay quả ổi chín da bóng mượt, vàng như màu nắng trên đầu.



             Những trưa phơi mình dưới nắng theo lũ bạn đi bắt chim, tìm trứng còng cộc ở cái đầm cuối xóm. Nắng thiêu cháy những mái đầu không nón, mồ hôi nhễ nhại, cả bọn cười giòn, ý ới gọi khoe nhau những quả trứng chim đầy rổ. Con đĩa bu chân, mồ hôi ướt đẫm cả vạt áo, mặt tôi đỏ như ông mặt trời đang làm nắng trên cao. Vứt cả giỏ trứng cùng mấy búp bông súng mới hái, tôi chạy lên bờ khóc vang cả con đầm. “Sợ đĩa mà bày đặt lội đầm”, mắt nhắm nghiền tôi nghe giọng thằng bạn mỉa mai bên tai. Nó phun phì phèo nước miếng từ miệng nó vào chân tôi. “ Xong rồi”, mở mắt tôi thấy chân mình chảy dài một màu đỏ của máu. Thằng bạn bảo con đĩa này tới số chết, bọn tôi không cần giết nó, nắng thế này phơi nó trên cát để ông trời giết giùm. Tôi không cười nỗi, vậy mà cả bọn nhao nhao “ xuống đầm nữa chứ mày?”

              Đầu hạ trời còn dễ chịu, vào khoảng giữa mùa chẳng biết ông trời khó chịu điều gì mà khó tính  hẳn. Những màn nắng trải xuống như những ngọn lửa ngùn ngụt, bỏng rát và hanh khô. Những bãi cỏ dần trụi trơ, héo rũ. Đàn bò nhìn nhau rồi tìm bóng mát nằm thở hỗn hễnh, đôi mắt hiền hiền nhìn chúng tôi bỏ mấy quả dừa uống giải khát mà thòm thèm. Thương đàn bò, chúng tôi đổi địa diểm chăn. Cả bọn lùa đàn bò lên núi, bò no bụng chúng tôi cũng được mặc sức tung hoành.

              Mùa hè là mùa ông trời ban thưởng riêng cho lũ trẻ con chúng tôi! Quả thế, ở đồng đã sướng lên núi chúng tôi còn hả hê với bao thứ quả dưới đồng tìm chẳng ra. Những quả táo rừng chỉ bằng ngón tay cái chín vàng hay hãy còn non xanh nhìn ngon cả mắt. Cả bọn thường hái đựng cả nữa cái nón lá má đưa đội đầu cho mát. Táo rừng chấm muối hột giã với vài quả ớt kim đem theo, cả bọn thi nhau hít hà, mặt đứa nào cũng đỏ gây vì nắng, vì cay. Rồi cả dây nho rừng với những chùm quả chín đen bóng, ngọt lịm ngay đầu lưỡi, cả bọn tranh nhau hái. Có khi ăn vội ăn luôn cả những quả nho vừa chín tới, vị chua và chát gắt lưu ở cổ mãi cho đến tối lùa đàn bò về vẫn cảm thấy khàn khàn nơi cuốn họng. 

               Có những hôm thằng bạn rủ cả bọn lên Đảo Chà Là. Gọi là Đảo Chà Là vì đảo nằm trong lòng hai ngọn núi, ở đó chỉ toàn là cây chà là tua tủa. Mỗi lần đi Đảo Chà Là là bọn tôi có hai loại quả để ăn. Chà là- nằm trong những bẹ lá nhọn hoắc lấp ló chà là đen thẫm, mập căng chúng tôi hối hả giũ. ( Chà là không gọi là đi hái mà phải gọi là đi giũ. Nón lá, rỗ hoặc cả áo luồng qua những bẹ lá nhẹ nhàng hứng dưới những chùm chà là mà giũ. Quả chín sẽ rụng xuống, quả chưa đủ độ chín vẫn ở trên cây đợi bọn tôi ngày sau giũ tiếp.) Con nắng hè quá chói chang chà là sẽ không ngọt và mập. Đêm hè nào có một con mưa bất chợt là sáng hôm sau bọn tôi tha hồ thưởng thúc thứ quả béo ú, ngọt lịm mà ông trời ban thưởng. Sim- những quả sim chín màu tím thẫm  lấp ló trong những bụi sim hai bên con đường nhỏ đầy đá, đường dẫn lên Đảo Chà Là. Có năm trời làm nắng dữ, gốc sim nhỏ không đủ sức chống chọi với cái nắng gắt ngày này qua ngày khác nên dần héo rũ. Những quả sim chưa kịp chín đã khô, nhăn nheo, bọn tôi nhìn nhau. Có đứa tỏ ra hiểu biết buộc miệng “ sim năm nay không được mùa”. Một đúa nhóc mới lên chín, lên mười nói câu này tôi cứ ngỡ như ba tôi hay một lão nông nào đó nói câu “Năm nay lúa không được mùa!”



                 “Năm nay lúa không được mùa!” tôi chắc chắn là ngày đó tôi chưa thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu nói này. Nhưng tôi  không ngĩ là tôi thích nghe nó bao giờ. Nếu lúa không được mùa chị em tôi sẽ chẳng có tập đẹp và quần áo mới khi vào năm học mới. (Bọn bạn tôi chắc cũng vậy!) Nếu lúa không được mùa, không đủ tiền cho mấy đứa con nhập học ba tôi chắc sẽ bán một trong những con bò mà tôi thường đi chăn với lũ bạn 9 mà tôi thì tôi không muốn phải trông thấy một con bò nào của tôi phải “ra đi” cả.) Nếu lúa không được mùa má sẽ dè sẻn hơn trong chi tiêu, chị em tôi sẽ mất những túi chè nho nhỏ hay vài cái bánh bò trong những buổi chợ chiều về của má. Tôi không thích như thế! Nói đúng hơn là bọn con nít chắng ai thích thế cả.



                  Ông trời thương sự chịu thương, chịu khó sớm hôm tần tảo của người dân quê tôi nên gần như năm nào trời cũng cho những cánh đồng lúa vàng phau, trĩu hạt.(Hay đó là kết quả của sự nhọc nhằn, cần lao, một nắng hai sương mà người dân quê tôi đã bỏ ra để đổi lại?) Vào mùa, những bàn tay của má, của cô thoăn thoắt cắt. Những bước chân hối hả suốt lúa- dồn bao- chở về nhà của ba, của chú. Cánh đồng nhộn nhịp người cắt, người suốt, tiếng nói cười reo vui. Biết bao giọt mồ hôi chạy ngoằn nghòe trên trán, lăn trên má rồi rơi xuống thấm sâu vào lòng đất, những nụ cười vẫn vẹn nguyên thỏa mãn dưới cái nắng như lủa thiêu. Lúa gặt vào mùa hạ là thích nhất! Chỉ cần phơi hai đến ba nắng là khô giòn. Rạ thì mới gặt hôm trước hôm sau đã khô vàng, ôm ôm rạ cho ba bó đem về vô nồng cho đàn bò chị em tôi ngất ngây “Lũ bò nhà mình sướng phải biết”. Có vài mảnh ruộng người ta đốt rạ khói nghi ngút, dưới cái nắng giòn lửa như bén nhanh hơn, tro bay khắp đồng. Tôi buộc miệng “Ba! Rạ ngon vậy mà nẫu đốt kìa!” Ba nhìn tiếc nuối “nhà nẫu không có trâu bò, biết vậy ba mua thêm cho mấy con nghé nhà mình”…



                Đặt quyển sách với đầy  những con số lên bàn, tôi nhắm mắt tự cảm thấy cái nắng ngày hè năm nào như tràn cả vào mắt. Giờ, dưới cái nắng ấy tôi biết tóc ba tóc má đã điểm thêm vài sợi bạc, bàn tay rám nắng ngày xưa nay càng nhăn nheo hơn, bao nếp nhăn trên trán là thấy bao mùa nắng gió ba má đã đi qua cho chị em tôi ăn học thành người. Biết mùa nắng nào ba má sẽ thanh thảng ở nhà an dưỡng tuổi già mà không hằn những mối lo?

                Tôi biết khi cơn gió xuân biếng lười thôi thổi, khi con ve đầu tiên cất tiếng gọi mùa, trên tán phượng lấp ló nụ trái tim tôi sẽ thổn thức đòi về với mùa nắng quê hương. Cầm điện thoại nhắn tin cho thằng em “Ba còn giữ lại một con bò! Hè này đi Đảo Chà Là nghen mày. Thèm quá!”
                Nhắm mắt! Tôi thấy con nắng vàng đang tinh nghịch làm bỏng rát trên đầu.
                Tôi yêu mùa hạ! Tôi yêu màu nắng quê mình!
 Huỳnh Thị Lệ Ân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét